Nhu cầu mua bán xe ô tô cũ hiện nay trên thị trường là khá cao trong những năm trở lại đây. Một phần cũng do những chủ xe đang sở hữu xe mới đã bắt đầu thanh lý để đón những dòng xe ngoại, đặc biệt là những xe đời mới.
Những chiếc xe đời mới được thanh lý này được xem là lựa chọn rất tốt cho những ai có nhu cầu mua xe ô tô đã qua sử dụng. Bởi chúng còn khá mới và thời gian sử dụng cũng chưa được nhiều, số km đã đi cũng không quá dài.
Nhưng khi đi mua ô tô cũ thì người mua sẽ lo lắng về nhiều rủi ro. Một trong những rủi ro mà người mua gặp phải đó là người bán không nói thật về tình trạng xe của họ có đang sử dụng để vay thế chấp ngân hàng hoặc đang thế chấp tại một công ty tài chính nào đó hay không.
Để kiểm tra xem chiếc xe đó có đang thế chấp vay hay không, bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây.
Bước 1: Truy cập vào trang web của Bộ tư pháp
website https://dktructuyen.moj.gov.vn
Bước 2: Chọn “Tra cứu thông tin”
Cửa sổ tra cứu sẽ hiện ra với 3 tùy chọn điền thông tin là số đơn đăng ký, bên bảo đảm và số khung. Bình thường người mua có thể không có được thông tin về số đơn đăng ký hoặc bên bảo đảm. Vì thế nên sử dụng thông tin số khung để tra cứu là hợp lý nhất. Hãy nhập số khung đầy đủ trên giấy đăng kiểm vì trên giấy đăng ký xe có thể thông tin sẽ không đầy đủ và sẽ không tìm được kết quả.
Bước 3: xem thông tin hiển thị “Tài sản không thế chấp”
Nếu không thấy thông tin hoặc hiển thị “Tài sản không thế chấp hoặc đã làm thủ tục xóa thế chấp”, điều này có nghĩa xe đã “sạch”, không liên quan gì tới ngân hàng.
Bước 4: Xem thông tin hiển thị: “Tài sản thế chấp”
Nếu thấy thông tin đầy đủ của tài sản hiện lên như dưới đây, thể hiện khoản vay hơn 900 triệu đồng, người mua cần lưu ý.
Người mua phải yêu cầu bên bán liên hệ ngân hàng hoặc làm thủ tục “xoá thế chấp tài sản đảm bảo” mới có thể giao dịch được (rút hồ sơ, sang tên, thế chấp). Nếu chưa xoá thế chấp giao dịh đảm bảo, có nghĩa tài sản chuẩn bị giao dịch nằm trong trạng thái đóng băng và sẽ không được thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
Bước 5: Kiểm tra kỹ các thông tin hiện lên ở website.
Ngoài thông tin hiển thị đầu tiên là đang có khoản vay ngân hàng, người mua nên kiểm tra các thông tin bên dưới xem có trùng khớp với thông tin mà bên bán cung cấp hay không. Việc này sẽ hạn chế được xe “gian”, xe vẫn đang cầm cố ngân hàng nhưng làm giả đăng ký biển số, số khung, số máy thật để lừa bán.
Trên đây là các bước để kiểm tra xe mua cũ có đang bị thế chấp ngân hàng hay không mà người đi mua cần biết.
Với người mua xe mới bằng cách vay trả góp, ngân hàng sẽ đưa ra nhiều giấy tờ cho bạn ký rồi đem bộ hồ sơ đó đi đăng ký thế chấp tài sản đảm bảo. Mục đích của việc này là ngăn chặn bạn bán xe.
Khi bạn đã trả hết nợ trả góp hoặc không còn dùng ôtô để thế chấp cho một khoản vay nào đó nữa, ngân hàng cần hướng dẫn bạn làm thủ tục giải chấp (giải trừ thế chấp). Hãy lưu ý điều này để chắc chắn rằng tài sản của bạn không còn liên quan đến bất cứ hoạt động thế chấp nào tại ngân hàng, tránh những rắc rối về sau. Việc giải chấp này cũng được thực hiện tương tự với các tài sản khác, ví dụ nhà ở.
Nguồn: Võ Quốc Bình