Việc vay tiền bằng cầm cố tài sản đôi lúc cũng xảy ra rủi ro. Người cầm cố không đủ khả năng trả nợ, buộc phía cầm đồ phải thanh lý tài sản. Vậy thanh lý tài sản cầm đồ được thực hiện ra sao?
QUY ĐỊNH THANH LÝ TÀI SẢN CẦM ĐỒ
Theo luật thanh lý tài sản cầm đồ trong Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định như sau:
Tài sản bảo đảm sẽ được xử lý trong các trường hợp:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.
- Bên vay phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn. Do vi phạm thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.
- Do pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý
- Các trường hợp khác do thỏa thuận hai bên.
NGUYÊN TẮC XỬ LÝ TÀI SẢN CẦM ĐỒ
Cũng theo Nghị định trên, xử lý tài sản cầm đồ cũng cần đáp ứng các nguyên tắc nhất định.
- Tài sản cầm cố dùng để thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý thực hiện theo thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận giữa hai bên sẽ được bán đấu giá.
- Tài sản cầm cố để thực hiện nhiều nghĩa vụ cũng sẽ được xử lý theo thỏa thuận các bên. Trường hợp không có thỏa thuận hay không thỏa thuận được sẽ đem bán đấu giá.
- Xử lý tài sản cầm cố phải thực hiện khách quan, công khai, đảm bảo quyền lợi các bên. Đồng thời việc xử lý tài sản cũng phù hợp với quy định pháp luật.
- Phía nhận cầm đồ sẽ là bên xử lý tài sản cầm cố, trừ khi có thỏa thuận khác. Phía cầm đồ căn cứ quy định pháp luật hoặc thỏa thuận để xử lý tài sản. Người này không cần có văn bản ủy quyền của phía người vay.
- Xử lý tài sản cầm cố nhằm thu hồi nợ, không phải hoạt động kinh doanh của phía cầm đồ.
- Nếu tài sản cầm cố là quyền sử dụng đất, nhà ở thì bên mua tài sản phải thuộc đối tượng được cấp GCN quyền sử dụng đất, nhà ở. Trường hợp không thuộc đối tượng được cấp thì chỉ hưởng giá trị quyền sử dụng đất, nhà ở đó.
THỦ TỤC THANH LÝ TÀI SẢN CẦM ĐỒ
Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
Các hình thức xử lý tài sản cầm cố được hai bên thỏa thuận bằng một trong các cách:
- Bán đấu giá tài sản
- Bên cầm đồ tự bán tài sản
- Bên cầm đồ nhận tài sản để thu hồi nợ
- Phương thức khác
Trường hợp không có thỏa thuận, tài sản sẽ được bán đấu giá.
Bán đấu giá tài sản cầm cố: Đây là phương thức được ưu tiên hàng đầu. Bán đấu giá là hình thức đảm bảo tính khách quan cao nhất. Bởi các bên đều mong muốn nhận lại giá trị nhiều nhất khi tài sản được xử lý. Bán đấu giá sẽ thỏa mãn được lợi ích đôi bên một cách công bằng. Bán đấu giá tài sản cầm cố sẽ được thực hiện khi phía vay vốn không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ.
THANH LÝ TÀI SẢN THU HỒI VỐN CẦM ĐỒ
Bên cầm đồ tự bán tài sản cầm cố: Hình thức này được thực hiện chỉ khi có thỏa thuận hoặc bên vay vốn đồng ý. Bên cầm đồ bán tài sản chỉ nhằm mục đích thu hồi nợ, không để kinh doanh.
Bên cầm đồ nhận chính tài sản cầm cố để thu hồi nợ: Đây là cách thức tương tự với việc phía cầm đồ tự bán tài sản. Mục đích chung là để thu hồi nợ mà phía vay vốn không có khả năng thực hiện. Do đó, giá trị tài sản cầm cố phải bằng hoặc lớn hơn khoản tiền vay. Như vậy quyền lợi hai bên sẽ được đảm bảo.
Phương thức khác: Là phương thức luật dự phòng. Phương thức này cho phép các bên tự thỏa thuận về cách xử lý tài sản cầm cố. Nếu các bên không có thỏa thuận thì sẽ xử lý bằng cách bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên Bộ Luật cũng quy định trừ các trường hợp đặc thù sẽ có quy định khác.
Trên đây là một số thông tin về việc thanh lý tài sản cầm đồ. Phía vay vốn và bên cầm đồ nên nắm rõ các điều khoản này để đảm bảo quyền lợi của mình. Người vay vốn nếu muốn thu hồi tài sản cầm cố, hãy thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn. Ngoài ra tiệm cầm đồ cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật, không tự ý thanh lý tài sản khi chưa đủ điều kiện.